Lễ Hội Và Trò Chơi Truyền Thống Năm Mới Tại Việt Nam
Bạn đã bao giờ trải nghiệm những lễ hội & trò chơi truyền trống trong năm mới chưa?
Cứ mỗi độ xuân về, ở khắp mỗi miền quê Việt Nam lại rộn ràng trong tiếng trống hội. Dù là thành thị hay nông thôn, miền núi hay đồng bằng đều rộn ràng trong tiếng hò reo vui mừng của các trò chơi dân gian. Lễ hội & trò chơi truyền thống vào dịp Tết đã ăn sâu vào tiềm thức tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt.
Lễ hội & trò chơi truyền thống là dịp để con người giao lưu, truyền lại những đạo đức. Bên cạnh đó còn tưởng nhớ đến các vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người có công chống thiên tai, diệt thú dữ, cứu nhân độ thế… hay những người có công truyền nghề. Mùa xuân là mùa diễn ra nhiều lễ hội nhất. Hầu hết các lễ hội này đều được tổ chức theo âm lịch.
Vậy vào dịp Tết, Việt Nam ta có những lễ hội & trò chơi truyền thống hấp dẫn nào? Cùng Anh ngữ Thiên Ân điểm qua một số cái phổ biến các bạn nhé!
- Cấu trúc đề thi IELTS (Academic & General)
- Cấu trúc đề thi VSTEP (B1-B2-C1)
- Cấu trúc đề thi PET (B1) Cambridge
- Cấu trúc đề thi TOEIC Speaking & Writing
- Cấu trúc đề thi TOEIC Listening & Reading
- Kinh nghiệm làm bài thi IELTS
- Kinh nghiệm làm bài thi PET (B1)
- Kinh nghiệm làm bài thi TOEIC Speaking & Writing
- Kinh nghiệm làm bài thi TOEIC Listening & Reading
Lễ Hội Và Trò Chơi Truyền Thống Năm Mới Tại Việt Nam
1. Lunar New year (Tết Nguyên Đán)
Đây lễ hội chính thống của dân tộc Việt Nam. Tết bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch hàng năm. Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền. Hay chỉ gọi đơn giản là Tết. Đây là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam.
Những ngày này mọi người trên cả nước đều nghỉ ngơi, đi thăm gia đình, dòng họ, bạn bè… Người thì đi chùa hay nhà thờ cầu bình an, hái lộc đầu năm. Đây là dịp để mọi người trong gia đình sum họp bên nhau sau những năm tháng làm lụng vất vả, xa quê hương kiếm sống.
Họ được trở về bên nhau, trò chuyện, thăm hỏi. Hơn hết là dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa, nấu bánh, viếng ông bà tổ tiên… Đây là dịp các thành viên trong nhà có thời gian hàn huyên tâm sự với nhau. Ông bà, cha mẹ, con cháu cùng quây quần bên nồi bánh chưng bập bùng ngọn lửa ấm áp.
Việt Nam được biết đến là một đất nước đa văn hóa. 54 dân tộc anh em là 54 nét văn hóa khác nhau. Chính điều đó làm nên sự đa dạng văn hóa nước ta. Tết Nguyên Đán là lúc các lễ hội được tổ chức mang đậm nét văn hóa của mỗi vùng miền.
2. Huong Pagoda Festival (Lễ hội Chùa Hương)
Đây là lễ hội tâm điểm được mọi người chú ý nhiều nhất. Đặc biệt là nhân dân các tỉnh phía Bắc. Lễ hội kéo dài từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 âm lịch. Người Hà Nội thường trẩy hội chùa Hương trọn vẹn trong một ngày. Họ bắt đầu sắm lễ sẵn và xuất phát từ đêm để đường xá thông thoáng và kịp về trong chiều.
Chùa Hương tương truyền là nơi đất Phật linh thiêng, nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành. Chỉ cần thành tâm hướng Phật, mọi nguyện cầu nhân dịp đầu xuân sẽ thành hiện thực. Hơn nữa, quần thể chùa Hương là một tổng thể tín ngưỡng tại Việt Nam quy tụ Đạo, Nho giáo và Phật giáo với nhiều đền, chùa, miếu nổi tiếng cùng nhiều truyền thuyết huyền bí.
3. Nghinh Ong Festival (Lễ hội Cầu Ngư)
Trong khi đó ở miền Trung, những ngư dân tại Thừa Thiên Huế lại tất bật chuẩn bị cho lễ hội Cầu Ngư – hay còn gọi là lễ hội Nghinh Ông, một nghi lễ quan trọng cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe và cuộc sống người chài lưới thêm sung túc.
Ngày hội là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Trương Quý Công – người làm nghề chài lưới, đánh bắt rồi truyền dạy lại cho các thế hệ sau đã hơn 700 năm. Để ghi nhớ công đức của Ngài và cầu mưa thuận gió hòa, ngày hội diễn ra vào đúng ngày mất của ông – 12 tháng Giêng âm lịch.
Ngoài ra, còn có một số lễ hội lớn khác như:
• Lim Festival: Hội Lim
• Do Son Buffalo Fighting Festival: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
• Co Loa Citadel Festival: Lễ Hội Thành Cổ Loa
• Giong Festival: Hội Gióng
• Spring festival: Hội Xuân…
Bên cạnh đó, trong các dịp lễ hội này không thể thiếu các trò chơi dân gian. So với những dịp khác, trò chơi dân gian ngày Tết có phần đặc biệt hơn với bầu không khí sôi động, háo hức tinh thần đua tranh và đầy ắp tiếng cười. Nó không đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống dân tộc.
4. Wrestling (Đấu vật)
Là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết và lễ hội. Đặc biệt khi xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng.
Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong ba ngày Tết. Tục xưa, người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác. Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên.
5. Bamboo swing (Đánh đu)
Là một trò chơi dân gian khá phổ biến ở Việt Nam. Chơi đu thường diễn ra vào những ngày Tết cổ truyền hay trong các ngày lễ hội đầu xuân ở các hội làng.
Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy.
Đánh đu thực sự đã trở thành nét đẹp văn hóa trong các dịp lễ, tết… Khi các chàng trai, cô gái trong những trang phục rực rỡ sắc màu, hòa trong tiếng trống, tiếng reo hò cùng bay lên không gian tạo nên bức tranh ngày Tết tràn đầy sức xuân nơi miền quê thôn dã.
6. Tug-of-war (Kéo co)
Được biết đến như trò chơi dân gian truyền thống và cũng là một môn thể thao mang tính đồng đội, không những trong dịp lễ tết mà còn thường có mặt trong lễ hội, sự kiện sinh hoạt cộng đồng. Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở các nước Đông Nam Á với mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.
Với cách chơi đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý, được chia làm hai phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.
7. Cockfighting (Chọi gà)
Là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Trò chơi chọi gà xuất hiện ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của cả nước. Nổi tiếng nhất về trò chơi này là các làng ở Bắc Ninh. Nam Bộ trước đây cũng từng là nơi sôi nổi nhất với thú chơi này.
Xuất phát là trò chơi dân gian, nên tinh thần của trò chơi này là thắng thua không quan trọng, mà chủ yếu để những người nuôi gà chọi chia sẻ kinh nghiệm và điều đặc biệt là để khán giả chứng kiến những pha biểu diễn kịch tính của các chú gà, tạo niềm vui trong dịp Tết đến Xuân về. Trò chơi chọi gà thường thu hút đông đảo quần chúng tham gia, vừa mang tính giải trí, vừa là một hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã từng có trong các hội làng xưa.
Bên cạnh đó còn có một số trò chơi quen thuộc và phổ biến khác như:
• Blind man’s bluff: chơi bịt mắt bắt dê
• Capture-the-flag: trò chơi cướp cờ
• Boat racing: đua ghe
• Human chess: cờ người
• Stilt Walking: cà kheo…
Thật vậy, lễ hội & trò chơi truyền thống ngày Tết giúp người dân giải tỏa bao khó khăn, mệt nhọc của năm cũ chào đón một năm mới vui tươi, hạnh phúc. Với những thông tin trên Anh Ngữ Thiên Ân hi vọng các bạn sẽ nắm rõ hơn về các lễ hội và trò chơi truyền thống cực kỳ thú vị mỗi khi Tết đến. Quê hương các bạn vào dịp Tết có những lễ hội hay trò chơi truyền thống nào không? Cùng chia sẻ cho Anh Ngữ Thiên Ân và mọi người biết với nhé!
Chúc các bạn một năm mới an khang, thịnh vượng.
Lễ Hội Và Trò Chơi Truyền Thống Năm Mới Tại Việt Nam
Hy vọng qua bài chia sẻ ở trên, các bạn có thể bổ sung thêm vốn từ vựng về lễ hội và trò chơi truyền thống dịp năm mới của Việt Nam
Chúc các bạn học tiếng Anh thật tốt. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài chia sẻ tiếp theo từ Anh ngữ Thiên Ân!
Link từ điển Oxford dùng cho việc tra cứu: https://www.oxfordlearnersdictionaries.com
(Nguồn: Anh ngữ Thiên Ân – Các Lễ Hội & Trò Chơi Truyền Thống Ngày Tết Việt Nam Trong Tiếng Anh – Vui lòng trích dẫn nguồn khi copy bài viết sang website khác)